Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn (edit)?

Nếu bạn đang phải làm một công việc lặp đi lặp lại, nghe nhạc sẽ giúp bạn tăng tốc độ và giảm lỗi mắc phải.

Khi công việc và những ồn ào ở văn phòng trở nên quá sức chịu đựng đối với bạn, âm nhạc có thể là cứu cánh. Nhưng chọn nhạc để nghe ở văn phòng không chỉ là nghệ thuật, mà còn là khoa học.

Những giai điệu âm nhạc khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? Dưới đây là câu trả lời và những lời khuyên trước khi bạn bật nhạc tại văn phòng:

1. Văn phòng ồn: Nghe nhạc là chuẩn rồi đó

Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? - Ảnh 1.

Nếu không gian làm việc của bạn bị tràn ngập tiếng ồn, trong vô thức, não bộ sẽ cố gắng xử lý tất cả các âm thanh tạp nham tạo nên tiếng ồn ấy. Về cơ bản, quá trình này sẽ rút bớt năng lượng tập trung của bạn.

Nó cũng làm tăng nồng độ hooc-môn gây stress cortisol và giảm nồng độ dopamine, hooc-môn hạnh phúc. Những thay đổi này ảnh hưởng xấu đến vỏ não trước, gây trở ngại cho chức năng điều hành.

Hệ quả của tiếng ồn là năng suất làm việc của bạn có thể giảm xuống, ngay cả khi thực hiện các nhiệm vụ chân tay, không yêu cầu não bộ phải học. Trong trường hợp này, nghe nhạc thực sự có thể giúp ích cho bạn, bởi vì nó chặn các âm thanh phức tạp của môi trường văn phòng để giữ cho bạn bình tĩnh hơn.

2. Làm một công việc lặp đi lặp lại: Nghe nhạc giúp tăng tốc độ và giảm lỗi

Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? - Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của âm nhạc đối với các công việc đòi hỏi thao tác lặp đi lặp lại. Theo đó, âm nhạc sẽ khiến tác tác vụ trở nên nhanh hơn và giảm thiểu lỗi trong quá trình thực hiện chúng.

Điều kỳ diệu này xảy ra là vì âm nhạc kích hoạt sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác tốt như dopamine, serotonin và norepinephrine. Các chất dẫn truyền thần kinh này giúp bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc, do đó, tập trung tốt hơn.

Điều này cũng đúng ngay cả khi bạn đang phải thực hiện những nhiệm vụ phức tạp - các bác sĩ thường xuyên nghe nhạc trong phòng phẫu thuật vì nó giúp giảm căng thẳng, giữ cho họ tập trung và có hiệu suất làm việc cao.

Tâm trạng được cải thiện nhờ âm nhạc cũng ảnh hưởng đến cách bạn tương tác với đồng nghiệp của mình. Nếu bạn cảm thấy tốt hơn, bạn thường tôn trọng, kiên nhẫn và hợp tác với họ hơn. Âm nhạc thực sự có thể đẩy cao tinh thần làm việc nhóm.

3. Đừng nghe những bài nhạc mới: Bạn sẽ phấn khích đến nỗi quên cả công việc

Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? - Ảnh 3.

Đừng lựa chọn những bản nhạc mới toanh cho ngày làm việc của bạn. Khi não bộ được tiếp xúc với các thông tin hoàn toàn mới lạ, bao gồm cả âm nhạc, nó sẽ đẩy mức dopamin lên rất cao để đáp ứng với chúng.

Một mặt, bạn sẽ thấy cực kỳ phấn khích với bài nhạc mới. Nhưng mặt khác, điều này không tốt chút nào cho công việc. Âm nhạc mới sẽ thu hút sự chú ý của bạn hướng ra bên ngoài công việc, kết quả là bạn sẽ tập trung vào bản nhạc hơn cả việc phải làm.

4. Nếu bạn cần học hoặc nghiên cứu một công việc mới: Tắt nhạc đi

Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? - Ảnh 4.

Hoạt động học tập và nghiên cứu đòi hỏi bộ não của bạn phải tập trung phân tích và ghi nhớ rất nhiều dữ kiện. Nghe nhạc có thể ghi đè các tín hiệu thích giác lên trên các thông tin mới mà bạn cần học.

Lúc này làm việc đa nhiệm sẽ không tốt, bộ não có thể giải thích hoặc nhận thức các dữ kiện không đúng cách, bị nhỡ mất thông tin hoặc kết hợp và lưu trữ chúng một cách sai lầm.

Vì vậy, nếu bạn phải học hoặc nghiên cứu một cái gì đó mới tại nơi làm việc, tốt nhất là hãy tắt nhạc đi, đặc biệt là nhạc có lời thì càng nên tắt.

5. Điệp khúc cần nhớ

Nghe nhạc khi làm việc ảnh hưởng thế nào đến não bộ của bạn? - Ảnh 5.

Âm nhạc có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho ngày làm việc của bạn. Hãy thoải mái khuấy động với âm lượng lớn nếu hôm nay là một ngày thứ Hai mệt nhọc, tiếng ồn khiến bạn làm việc như ốc sên, hoặc bạn lại phải làm đi làm lại một công việc nhàm chán.

Lý tưởng nhất, hãy chọn một danh sách những bài nhạc cũ mà bạn đã quen thuộc với chúng. Nếu công việc của bạn liên quan đến việc đọc, hãy chọn nhạc không lời.

Cuối cùng, nếu bạn cần phải học tập hoặc nghiên cứu một điều gì đó mới mẻ trong công việc, hãy nghe nhạc trước khi bắt đầu, còn trong quá trình làm thì nên đặt tai nghe xuống.