Lời khuyên dành cho sinh viên (edit)

1. Xác định mục tiêu học tập và công việc

Trước tiên, hãy xác định cho mình một mục tiêu tổng quát về việc học tập tại trường. Với sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, các bạn có thể tham vấn từ thầy cô và các anh chị đi trước để hiểu rõ hơn về môi trường đại học, con đường mà mình đã chọn cũng như tương lai của việc học. Từ đó xây dựng những mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ phải hoàn thành. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng nên tham khảo các tiêu chuẩn phấn đấu như “sinh viên 5 tốt” ,”đoàn viên ưu tú”…

2. Trang bị, rèn luyện kỹ năng

Ngay từ những ngày đầu là tân sinh viên còn nhiều thời gian rảnh rỗi, các bạn nên tham gia nhiều lớp học về kỹ năng thực hành xã hội và bắt đầu rèn luyện từng ngày. Các kỹ năng bạn nên trang bị thêm là: làm việc nhóm, giao tiếp, sắp xếp thời gian, chi tiêu, tư duy sáng tạo, tư duy tích cực, hoạch định mục tiêu cuộc đời, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế…

3. Đọc nhiều sách báo

Ngoai việc tiếp thu các kiến thức trên giảng đường thì các bạn sing viên nên tự đọc sách báo và nghiên cứu thêm những tài liệu liên quan đến ngành học của mình và những thông tin xã hội để từ đó, các bạn có thể trao đổi những điều hay và thú vị với bạn bè, áp dụng những điều hay đó vào việc học tập và sinh hoạt của chính mình.

4. Học ngoại ngữ

Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế cho các bạn trong học tập và công việc tương lai. Các bạn sinh viên có thể tham gia học tập tại các lớp tiếng anh tại trường, các trung tâm tiếng anh hoặc tham gia các CLB ngoại ngữ để có thể trau dồi và nâng cao khả năng tiếng anh của mình.

5. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa

Là sinh viên, bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia các chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tình nguyện như Hiến máu tình nguyện, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh … do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị khác tổ chức. Việc tham gia các hoạt động này không chỉ giúp bạn rèn luyện khả năng làm việc độc lập, tích lũy kinh nghiệm sống, thực hành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng sống mà còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội.

6. Tìm hiểu và tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học mà mình tâm đắc

Nếu bạn dự định tiếp tục học Thạc sĩ, Tiến sĩ thì NCKH là cơ hội để bạn đặt những bước chân vào thế giới khoa học, còn nếu bạn không dự định học tiếp thì đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị giúp các bạn tìm hiểu sâu về lĩnh vực mình yêu thích, định hình phát triển tư duy khoa học, tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề, rất có lợi cho công việc tương lai. Kiến thức tổng quan và chuyên ngành; kỹ năng làm việc nhóm, thu thập tư liệu, trình bày báo cáo một cách khoa học, thuyết trình… sẽ là những điều mà bạn tích lũy được khi tiến hành đề tài NCKH. Đồng thời, các đề tài NCKH chất lượng cao sẽ được đề cử tham gia các giải thưởng cao hơn từ cấp Đại học Quốc gia, cấp Thành phố đến cấp Bộ Giáo dục – Đào tạo, cấp Nhà nước.

7. Biết cách giải trí và giải trí lành mạnh

Ngoài việc học, các bạn sinh viên nên tham gia các hoạt động xã hội, tập thể dục hàng ngày, giao lưu với bạn bè, đi du lịch, thưởng thức nghệ thuật … ,điều hòa giữa việc học và giải trí sẽ giảm thiểu được những căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần ý thức được hình thức giải trí lành mạnh, phù hợp, không để tiêu tốn thời gian vào bài bạc, bia rượu, game online và các tệ nạn xã hội khác.

8. Rèn luyện tác phong hiện đại, kỷ luật

Các bạn sinh viên cần tự ý thức được những nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày như giao tiếp lịch thiệp với mọi người, trang phục lịch sự khi đến trường, thực hiện văn hóa xếp hàng, giữ vệ sinh chung, tiết kiệm điện – nước…; tuân thủ nghiêm túc kỉ luật, các nội quy, quy định

9. Chủ động “săn” học bổng và các cơ hội hỗ trợ học tập

Có rất nhiều nguồn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các cá nhân, đơn vị cho các bạn sinh viên với các học bổng khuyến khích học tập, học bổng cho sinh viên giỏi, học bổng cho sinh viên khó khăn, học bổng cho sinh viên khuyết tật, học bổng du học nước ngoài. Vì vậy các bạn sinh viên nên chủ động tìm hiểu và nắm bắt các thông tin cần thiết để đăng kí học bổng khi có cơ hội.

10. Làm thêm hợp lý

Nếu bạn muốn làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, trang trải cuộc sống thì nên có sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đi làm thêm, bạn hãy biết tự đánh giá năng lực của mình để chọn một công việc phù hợp, cũng như biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và việc đi làm. Bạn nên xác định làm thêm để có kinh nghiệm thực tế, sau đó mới tính tới trang trải cuộc sống; không nên vì quá mê kiếm tiền mà bỏ quên mục đích chính là học tập.

Những lời khuyên của Bill Gates dành cho sinh viên muốn thành công

Trí tuệ nhân tạo, năng lượng và khoa học sinh học là những lĩnh vực đầy tiềm năng

Vào cuối năm học 2007, Bill Gates viết trong một chủ đề trên Twitter rằng các bạn trẻ sắp vào đại học nên học tốt 3 chuyên ngành trên bởi đó là những lĩnh vực đầy hứa hẹn trong các thập kỷ tiếp theo.

Ông tin rằng đó là nơi mà con người có thể tạo ra ảnh hưởng to lớn.

Hãy ở cạnh những người luôn thách thức bạn

Trong cùng chủ đề về lời khuyên cho giới trẻ trên Twitter, vị tỷ phú khuyên các sinh viên nên dành thời gian để theo đuổi sự phát triển và trở nên tốt hơn.

Ông cũng nhắc lại lời người bạn thân nhất của mình là tỷ phú Warren Buffett từng nói: "Bạn sẽ di chuyển theo hướng của những người mà bạn kết giao. Vì thế, hãy biết chọn bạn mà chơi một cách khôn ngoan. Đối với Bill Gates, người bạn đó là vợ đã sát cánh cùng ông 23 năm, bà Melinda.

Đại học mang lại gì cho bạn sau bốn năm?

Vào được đại học là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng liệu 4 năm đại học có giúp chúng ta trở thành tỷ phú như Bill Gates hay thiên tài như Albert Einstein? Dưới đây là 5 điều mà bậc học đại học thực sự mang lại cho bạn.

1. Mối quan hệ

Đại học cho chúng ta nhiều mối quan hệ quan trọng cho cả cuộc đời và sự nghiệp sau này. Không chỉ riêng ở trong trường đại học, bạn sẽ còn quen nhiều người ở bên ngoài cổng trường. Và nếu may mắn, bạn sẽ quen với một người dễ thương và có trong tay một thứ mà người ta thường gọi là “mảnh tình văt vai thời sinh viên”.

Lời khuyên dành cho bạn là hãy trân trọng các mối quan hệ đại học. Đừng bỏ phí những mối quan hệ này vì sẽ có lúc bạn cần đến những người bạn đó.

2. Ăn chơi

Khi còn là một thanh niên ở quê, bạn chẳng biết nhiều tới các quán bar hay phòng karaoke. Thậm chí xem phim ở rạp cũng là một điều xa xỉ. Nhưng khi vào đại học, quán nhậu sẽ là nơi bạn thường lui tới, karaoke sẽ là nơi bạn thư giãn họp mặt bạn bè và rạp chiếu phim sẽ là nơi bạn đưa người yêu đến.

Không chỉ vậy, gu thời trang của bạn cũng thay đổi rất nhiều kể từ khi trở thành sinh viên. Thật khó có ai giữ được lối sống thuần khiết quê nhà khi gần như tất cả bạn cùng phòng của mình đều đã thay đổi.

Hãy chấp nhận nó và học cách quen dần với cuộc sống mới. Nhập gia tùy tục mà

3. Kỹ năng tự học

Đại Học được định nghĩa vui là Học Đại, tức là học sao cũng được. Giảng viên đôi khi cũng chẳng hiểu hết vấn đề mình đang nói. Sinh viên phải tự tìm hiểu và nghiên cứu để vượt qua các kì thi giữa kỳ và cuối kỳ.

Ngoài kiến thức thi cử, bạn sẽ còn tự học được rất nhiều điều trong cuộc sống thông qua những công việc bán thời gian, thông qua các mối quan hệ, thông qua những buổi giao lưu, hội thảo, và đôi khi cả ở các tổ chức tôn giáo như chùa chiền hoặc nhà thờ (nếu bạn là một người có tín ngưỡng).

Kỹ năng này sẽ đi theo bạn suốt cả cuộc đời, không chỉ riêng thời đại học. Do đó hãy sáng tạo và rèn giũa phương pháp tự học của riêng mình.

4. Trải nghiệm đau khổ

Bị lừa tình, bị gạ gẫm, bị gạt tiền là những thứ bạn có thể sẽ vướng phải ở thời sinh viên. Mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu bạn chẳng may rơi vào những tình cảnh đó. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng để rồi gục ngã và đánh mất bản thân. Bạn không phải là người duy nhất chịu những đau khổ đó.

Những cuộc đời khó khăn nhất lại chính là những cuộc đời dạy chúng ta những bài học tuyệt vời nhất. Hãy nghĩ về những trải nghiệm đau đớn đó, và rút ra cho mình bài học. Đời sinh viên có thể bạn chỉ bị mất vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, nhưng nếu bạn lặp lại lỗi lầm đó lúc đi làm, bạn có thể mất cả sự nghiệp trong vài giây.

5. Kiến thức

Nhiều người nghĩ rằng kiến thức đáng ra là thứ quan trọng nhất mà đại học mang lại. Nhưng riêng tôi thì lại muốn đặt nó ở dưới cuối cùng và nghĩ đó là điều chúng ta đạt được ít nhất thời sinh viên. Bạn sẽ khó mà tìm được chỗ có thể ứng dụng vi phân, đạo hàm, tích phân hay kinh tế lượng cho công việc sau này. Chúng ta có máy vi tính, chúng ta có những siêu máy chủ, chúng ta có những nền tảng để làm việc.

Gần như 80% kiến thức bạn học được không thực sự hữu ích cho công việc. Nó chỉ đơn thuần là thứ bạn cần cho những kỳ thi. Nhưng có một điều quan trọng là nếu bạn không qua được các kì thi, bạn cũng không thể qua được thời sinh viên một cách suôn sẻ.

Đọc thêm tại đây

KỲ 1: Mách nhỏ tân sinh viên 5 điều trước năm học mới 

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/496381517122123

KỲ 2: Hành trang đi học xa nhà của các tân sinh viên

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/496950490398559

KỲ 3: SINH VIÊN NĂM NHẤT THƯỜNG BỊ LỪA NHỮNG VIỆC SAU

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/497469697013305

KỲ ĐẶC BIỆT: 5 LÍ DO ĐỂ NÓI KHÔNG VỚI "ĐA CẤP"

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/498052133621728

KỲ 4: SINH VIÊN NĂM NHẤT KHÔNG NÊN BỎ QUA 

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/498046843622257

KỲ 5: Đại học mang lại gì cho bạn sau bốn năm 

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/498951233531818

KỲ 6: 10 thất bại của sinh viên năm nhất 

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/499300870163521

KỲ CUỐI: Thi lại đại học, tại sao không?

https://www.facebook.com/NEUFORUM/posts/499319143495027