@manhng

Welcome to my blog!

An toàn thông tin

January 3, 2022 13:51

An toàn thông tin (edit)

Một số biện pháp giúp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng Internet

Vài năm gần đây, những vụ tấn công mạng nhằm vào tài khoản Email và các dịch vụ Email ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thông qua việc đột nhập vào tài khoản email, các Hacker có thể nhanh chóng khai thác thông tin cá nhân từ tên tuổi, mạng xã hội cho đến tài khoản ngân hàng. Để tránh được những nguy cơ đánh cắp thông tin và tấn công vào tài khoản email của mình người dùng hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện những việc sau:

  1. Đặt mật khẩu dài và khó đoán bao gồm cả số và chữ, kí hiệu đặc biệt cho tài khoản email. Không nên dùng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản và thường xuyên thay đổi mật khẩu.
  2. Xác thực tài khoản email 2 bước và dự phòng email. Việc dự phòng email rất quan trọng trong việc bảo mật tài khoản email và phục hồi email khi quên mật khẩu.
  3. Không nhấn vào các đường link lạ, file đính kèm đang nghi ngờ, thư rác hay các mail được nhắn từ các tài khoản không có tên miền cụ thể.
  4. Hạn chế sử dụng Wifi công cộng để đăng nhập vào các tài khoản cá nhân, việc đăng nhập email hoặc tài khoản cá nhân ở những nơi phát wifi công cộng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân của người dùng rất dễ bị các hacker khai thác.
  5. Hạn chế sử dụng những thiết bị công cộng như máy tính, điện thoại để truy cập vào các tài khoản cá nhân và luôn đăng xuất hoặc sử dụng chế độ ẩn danh khi bắt buộc phải sử dụng các thiết bị này.
  6. Không cho người khác sử dụng thiết bị cá nhân có chứa nhiều thông tin quan trọng.
  7. Không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho người khác.

Trên đây là những biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng Internet. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức sử dụng của từng cá nhân bởi nếu không cảnh giác và thận trọng thì việc lộ lọt thông tin cá nhân là điều rất dễ xảy ra.

Tìm hiểu về “Tội phạm sử dụng công nghệ cao”

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 với nhiều sự mới mẻ tột bậc, nhất là hệ thống công nghệ thông tin nên tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và gây tâm lý bất an cho người dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội với mục đích trục lợi cá nhân, xâm phạm, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị của quốc gia.

Có thể nói rằng, tội phạm công nghệ cao là tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Trực tiếp hoặc dán tiếp thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Từ tình hình thực tiễn, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tập trung chủ yếu 06 phương thức sau:

Thứ nhất, các đối tượng sẽ giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như: Phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang… Từ đó, phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Thứ hai, lừa đảo qua mạng xã hội, cụ thể như sau:

Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, tiếp tục tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... Sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng;
Đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, đề nghị chuyển quà như: Trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng. Tiếp theo, giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, cụ thể như: Tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

Thứ tư, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Thứ năm, thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Thứ sáu, giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Từ đó, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay có rất nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi và phức tạp. Gây rất nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Nhằm phòng tránh các phương thức lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, không tin tưởng các chiêu trò nhận thưởng qua mạng, không nên đưa các thông tin cá nhân lên mạng xã hội… để tránh bị các đối tượng khai thác trục lợi.

Categories

Recent posts